Một khúc giao mùa tháng 3 nữa lại về, tháng 3 với những âm vang của sắc xuân tràn ngập trên mỗi nẻo đường, là khi con người cảm nhận được không khí ấm áp rạng rỡ của đất trời. Cũng là thời điểm chúng ta hân hoan chào đón ngày lễ mùng 8 tháng 3, ngày lễ mà chúng ta có dịp ôn lại truyền thống và vẻ đẹp của người phụ nữ, để từ đó chúng ta càng thêm tự hào ngợi ca, tôn vinh họ.
Văn nghệ chào mừng ngày 8/3
Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, đó là cả một câu chuyện lịch sử dài về cuộc đấu tranh giành quyền bình đẳng và hạnh phúc cho phụ nữ của nhiều nhóm phụ nữ trên toàn thế giới. Để hằng năm, cứ đến ngày mùng 8 tháng 3, phụ nữ trên toàn thế giới, trong đó có phụ nữ Việt Nam được mọi người tôn vinh nhân kỷ niệm ngày Quốc tế của giới mình.
Ở thời nào cũng vậy, vẻ đẹp của người phụ nữ như một hằng số, bất biến ngàn đời. Đó là sự nhẫn nại, cam chịu, là sự thủy chung, sắc son. Dù bao khổ đau, bất hạnh vẫn không thể vùi lấp được những vẻ đẹp đó. Nó như những viên ngọc thô mà thời gian, những bất hạnh khổ đau là chất xúc tác mài giũa, càng ngày càng toả sáng.
Nhà thơ Huy Cận đã từng viết:
Chị em tôi tỏa nắng vàng lịch sử
Nắng cho đời nên nắng cũng cho thơ…
Người phụ nữ đã trở thành một phần của lịch sử, họ tạo nắng cho nhân gian và tạo nắng cho thơ, họ trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho thi ca hội họa, và ở phương diện nghệ thuật nào họ cũng hiện lên một cách đẹp đẽ, đầy tỏa sáng.
Nhà văn Vichto Huygô từng nhận xét: “Bên cạnh ánh sáng lung linh của các vì sao còn có ánh sáng êm dịu và huyền bí của tâm hồn người phụ nữ”. Từ xưa đến nay, vẻ đẹp ấy của người phụ nữ đã từ đời thường mà rạng rỡ tỏa sáng trong văn học nghệ thuật. Từ thơ ca dân gian cho đến văn chương bác học cao sang đều khắc hoạ hình tượng người phụ nữ với đức tính cao cả chịu thương chịu khó, thuỷ chung son sắt, nhẫn nại hy sinh, đảm đương nhiều vai trò: Trong gia đình là người vợ yêu chồng, người mẹ thương con, trong xã hội là người biết cống hiến, biết đấu tranh và dám hy sinh. Vẻ đẹp của người phụ nữ mọi thời đại kết tinh ở tâm hồn vừa dạt dào yêu thương vừa can trường bất khuất, vì vậy đã trở thành nguồn cảm hứng dạt dào cho nhiều tác phẩm văn chương. Những hình tượng nhân vật giàu sức sống nhất trong văn chương xưa nay là những người phụ nữ như thế: là nàng Vũ Nương trong sạch tuyết trinh, là nàng Kiều dẫu số phận chìm nổi lênh đênh vẫn “trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa”, là những người con gái thanh niên xung phong đã “lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa/ Đánh lạc hướng thù. Hứng lấy luồng bom”, và còn biết bao hình tượng như thế nữa trong văn học. Vì thế, không gì ý nghĩa và nhân văn hơn khi suốt hơn một thế kỷ qua, thế giới đã dành ngày 8/3 để tôn vinh phụ nữ.
Trường TH Tân Phú Trung hưởng ứng tuần lễ áo dài
Trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa, người phụ nữ ngoài việc thực hiện thiên chức, vai trò, trách nhiệm của mình ở gia đình còn không ngừng học hỏi, rèn luyện, phấn đấu để trở thành người có tri thức, có kỹ năng sống, có sức khoẻ tốt nhằm tiếp cận, nắm bắt kịp thời kiến thức khoa học, kiến thức thực tiễn để phục vụ công tác, tự lập, tự chủ bản thân. Thực tế, ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia các hoạt xã hội hơn và họ đã mạnh dạn xung phong làm những công việc mà từ trước đến nay chỉ dành cho nam giới. Họ đã thật sự thoát khỏi những định kiến, lễ giáo cổ hủ để vươn lên sống tốt hơn, có nhiều đóng góp hơn cho gia đình và xã hội, không ít người trong số họ đã đạt đến những địa vị rất cao và thành công trong mọi lĩnh vực.